Nuôi con bằng sữa mẹ luôn là nỗi trăn trở bởi đó không phải là công việc ngày một ngày hai mà đó là “cuộc chiến đấu” không ngừng nghỉ mỗi ngày. Làm thế nào để mẹ khỏe và đủ sữa cho bé bú nhưng vẫn phải đảm bảo tốt về mặt sức khỏe của cải hai.
Hành trình nuôi con bằng sữa mẹ của Thảo
Ngay từ những ngày đầu mang thai mình đã tìm hiểu qua về việc nuôi con bằng sữa mẹ để đem đến những điều tốt đẹp nhất cho con. Thế nhưng mọi thứ không như khi mình tìm hiểu: hoàn toàn mới lạ và phải học lại tất cả từ đầu một lần nữa.
Bé con nhà mình cũng vậy, những ngày mới sinh rất hay quấy khóc vì khát sữa và buộc phải uống sữa ngoài. Các mẹ biết đấy, dù đã tìm hiểu trước việc nuôi con bằng sữa mẹ, nhưng khi đối diện thì mình vẫn rất lúng túng không biết phải làm cách gì để có sữa cho con. Bất kể điều gì, mình càng nôn nóng thì càng kết quả càng không như mình mong đợi. Nôn có sữa cho con bao nhiêu, tâm lý càng bất ổn bấy nhiêu, tâm lý bất ổn, căng thẳng thì sữa lại về không nhiều cho con bú, con lại quấy khóc. Cứ như thế một vòng luẩn quẩn chẳng biết phải xử lý như thế nào.

Đến một ngày, mình nhận ra là phải giữ tâm lý thật thoải mái, ăn uống phải đủ chất thì mới có sữa cho con. Thời gian sau, hết thời kỳ thai sản, mình quay trở lại với công việc. Bận rộn với nhiều việc và áp lực, thời gian cho bé bú cũng ít đi nên việc tiết sữa cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, nhưng may mắn, mình được bà nội của Nấm chăm rất kĩ, phải nói là nếu không có mẹ, thì mình gặp không ít khó khăn đâu. Được mẹ bổ sung dinh dưỡng, động viên an ủi, chỉ dẫn nhiều bí quyết nuôi con bằng sữa mẹ, nên tâm lý tốt hơn và sữa cũng cải thiện nhiều hơn hẳn.
Nuôi con bằng sữa mẹ nếu nói khó thì không hẳn khó, nhưng nói dễ cũng không phải dễ. Là khó nếu mẹ không tìm hiểu và kiên trì, nhưng không phải dễ dàng gì bởi đây là một quá trình, và quá trình đó dĩ nhiên phải có những nguyên tắc riêng thì sữa của mẹ mới về nhiều, mới bảo đảm cho bé một nguồn sữa dồi dào và mát lành. Mẹ mặc dù tâm lý nhưng cũng đã rất nghiêm khắc với mình trong việc nuôi con bằng sữa mẹ. Dưới đây là một số nguyên tắc mà mẹ yêu cầu mình phải thực hiện để có sữa cho Nấm bú.
Nguyên tắc nào khi nuôi con bằng sữa mẹ mà mẹ bắt Thảo phải thực hiện?
Là một người đi trước có nhiều kinh nghiệm và thương con cháu hết mực, nên mẹ nói: Mẹ thương con dâu như con ruột, mẹ thương cháu mẹ, nên con phải nghe lời mẹ để cháu mẹ có sữa bú mà con cũng khỏe và thoải mái nữa.
Nghe lời mẹ với những nguyên tắc nuôi con bằng sữa mẹ mà mẹ đề cập:
- Phải cho Nấm bú no sữa mẹ, ít nhất là 6 tháng đầu: Trong sữa mẹ có chứa đầy đủ tất cả các loại dinh dưỡng cần thiết cho Nấm sinh trưởng phát triển trong bốn tháng đầu tiên sau khi chào đời, bởi vậy không cần cho Nấm uống thêm bất cứ đồ ăn thức uống gì khác, để Nấm bú thuần sữa mẹ, tuy nhiên phải đảm bảo luôn no sữa.
- Cho Nấm bú khi có dấu hiệu đòi bú: Khi cho Nấm bú sữa mẹ, nhất là ở tháng đầu tiên, cho bú thường xuyên khi có dấu hiệu đòi bú là rất quan trọng.

- Trong thời kỳ cho con bú người mẹ phải đặc biệt chú ý dinh dưỡng toàn diện và sức khỏe cho bản thân: Bà mẹ đang trong thời kỳ cho con bú cần phải kiên trì bổ sung cho bản thân canxi (Ca) và các loại vitamin A, D để cung cấp cho trẻ loại sữa tối ưu về chất lượng. Nếu người mẹ thiếu canxi thì để đam bảo chất lượng Ca trong sữa không đổi, sẽ phải huy động Ca trong xương của bản thân, sẽ dẫn tới chứng mềm xương (osteomalacia), chứng loãng xương (osteoporasis), đau nhức xương lưng, đùi… Thành phần sữa mẹ sẽ thay đổi theo thời kỳ sau sinh con, có một số nhân tố bên ngoài có thể ảnh hưởng tới lượng tiết sữa của người mẹ, cùng với việc cho con bú đúng cách còn phải biết kết hợp giữa làm việc và nghỉ ngơi, tâm tình phải luôn thoải mái, không nên ăn kiêng quá khắt khe… như vậy mới có thể đảm bảo lượng tiết sữa bình thường và cũng không làm giảm thiểu dinh dưỡng và thành phần miễn dịch.
- Đi làm rồi nhưng vẫn phải đảm bảo lượng tiết sữa không giảm: Trong thời kỳ đi làm vẫn phải cho con bú, trước khi đi làm có thể vắt sữa đựng vào bình, để mẹ ở nhà cho Nấm bú bình, còn buổi sáng và buổi tối cho Nấm bú trực tiếp. Trong trường hợp đi làm hoặc đi công chuyện chưa kịp cho con bú mà cương sữa khó chịu, con nên kịp thời vắt bớt để đảm bảo không ảnh hưởng tới sự tiết sữa bình thường của tuyến sữa.

Mẹ tiếp lời: “Con biết đấy, mẹ cũng đã làm mẹ của những đứa trẻ như con, nên mẹ hiểu nuôi con bằng sữa mẹ ngoài những niềm vui thì cũng không ít vất vả. Cũng là thân phận phụ nữ với nhau nên mẹ hiểu nuôi con bằng sữa mẹ thật sự cần những nguyên tắc, có thể những nguyên tắc ở trên chưa đủ, nhưng nó tốt với con và Nấm ở thời điểm hiện tại. Nếu con làm tốt, nuôi con bằng sữa mẹ sẽ là sợi dây gắn kết con và Nấm lại với nhau”.
Nghe mẹ nói mà người làm mẹ như mình cảm thấy biết ơn vô cùng. Cũng cảm thấy việc nuôi con bằng sữa mẹ là vô cùng thiêng liêng trong hành trình làm mẹ và điều này sẽ càng có ý nghĩa hơn khi chúng ta biết áp dụng mọi thức khoa học hơn để nguồn sữa dồi dào đủ cho bé bú.
Hằng Pigo